Người nước ngoài mua nhà - Ý kiến từ nhà tư vấn ngoại

Đề xuất cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam đã được đưa ra từ lâu. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, đề xuất này vẫn chưa trực tiếp thu hút nguồn vốn ngoại vào thị trường bất động sản. 
Trao đổi về việc nới rộng điều kiện cho người nước ngoài mua và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, ông Timothy Horton - Giám đốc Điều hành Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà cũng hỗ trợ, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có một thời gian dài xem xét và nghiên cứu về thị trường Việt Nam.
Nếu các đơn vị nước ngoài được phép sở hữu và cho thuê lại bất động sản, thị trường sẽ trở nên sôi động hơn, góp phần hỗ trợ tiêu thụ nguồn cung căn hộ trung cấp – phân khúc có phần chững lại trong chu kỳ bất động sản trước.

Thêm vào đó, những dự án đã ngừng hoạt động hoặc kém khả thi sẽ có nhiều khả năng được tái khởi động và nâng cao tính khả thi hơn.
Tuy nhiên, ông Timothy Horton cho rằng, cho tới thời điểm hiện nay, đề xuất cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam vẫn chưa trực tiếp thu hút nguồn vốn ngoại vào thị trường.
Có sự vận hành chiến lược của quỹ đầu tư nước ngoài vào bất động sản
"Với những lợi thế về các yếu tố vĩ mô, Việt Nam tiếp tục nằm trong tầm ngắm của các quỹ đầu tư bất động sản quốc tế. Chúng tôi nhận thấy, có một sự dịch chuyển trong chiến lược đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài.
Thay vì dựa vào quy tắc đầu tư chuẩn mực, nhiều quỹ đầu tư chuyển sang phối hợp đầu tư theo nhóm, nhằm vào các công ty trong nước có hồ sơ kinh doanh tốt, minh bạch thông tin và sở hữu các dự án nằm tại vị trí chiến lược.
Những quỹ đầu tư này đều đã vận hành trên thị trường và chứng kiến chu kỳ bất động sản của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Những hệ lụy từ một thị trường chưa phát triển vẫn đang được xem xét xử lý nhằm biến Việt Nam thành một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn.
Nếu Chính phủ đẩy mạnh thực hiện các điều luật về minh bạch hóa, quyền sử dụng đất và các chương trình quản lý nợ xấu, Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể niềm tin của nhà đầu tư ngoại và trở thành điểm đầu tư hấp dẫn. so với khu vực cũng như toàn thế giới", ông Timothy Horton nói.
Việc nới rộng của cho nhà đầu tư bất động sản đến từ nước ngoài thu hút nhân tài, nguồn lực, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước vẫn băn khoăn về điểm giới hạn. Các băn khoăn có thể kể đến như: Tránh phân khúc nhà thu nhập thấp, Độ mở tùy thuộc khả năng quản lý, có nên hoanh vùng khu vực nhạy cảm an ninh - quốc phòng....

Khi mua nhà ở Việt Nam, người nước ngoài có được đứng tên chủ sở hữu?

Người nước ngoài nếu muốn mua nhà ở Việt Nam và muốn đứng tên chủ sở hữu căn nhà đó thì có được không? (Người nước ngoài ở đây là người Đài Loan)
Theo quy định tại Nghị quyết số 19/2008/QH12 được Quốc hội ban hành ngày 03/6/2008 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam thì chỉ những người nước ngoài (không phân biệt quốc tịch nước nào) thuộc một trong các trường hợp sau đây mới được mua và sở hữu 01 căn hộ chung cư trong dự án nhà ở thương mại tại Việt Nam:
- Đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó;
- Có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương; có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
- Đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội tại Việt Nam có trình độ đại học trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu;
- Kết hôn với công dân Việt Nam;
Để được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì người nước ngoài thuộc đối tượng nêu trên phải đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Luật sư Lê Văn Huyên
(Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Đất Luật)

Người nước ngoài đứng tên sở hữu nhà được quy định thế nào?

Hỏi: Sếp của tôi là người Nhật đang làm việc trong công ty liên doanh gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ông ấy được thuê giữ chức danh giám đốc trong doanh nghiệp.
Sếp tôi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bây giờ ông ấy đang mua 1 căn nhà thuộc quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đang xậy dựng hoàn công. Vậy khi bàn giao nhà thì ông ấy có được đứng tên sở hữu căn nhà này không?
Trả lời:
Khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 19/2008/QH12 quy định:
“Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam:
1. Cá nhân nước ngoài có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó;”
Đồng thời điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 18/2008/QH12 như sau:
“1. Cá nhân nước ngoài quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 của Nghị quyết này phải đang sinh sống tại Việt Nam, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.”
Đối chiếu với quy định trên, nếu sếp của bạn thỏa mãn điều kiện trên thì sẽ được sở hữu nhà ở Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền
(Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh)

Đăng nhận xét

0 Nhận xét